Tháng 12 năm ngoái, Phương Khanh, học sinh lớp 12 trường THPT Kim Liên trúng tuyển Đại học Waterloo - trường top 7 Canada theo QS với học bổng 10.000 USD, hỗ trợ 10% học phí trong bốn năm. Email thông báo của trường khiến Khanh sung sướng không ngủ được bởi Canada là điểm đến du học an toàn, môi trường sống ít phức tạp và chính sách định cư cởi mở.
Thế nhưng giữa tháng 3, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo lùi lịch thi THPT quốc gia năm 2020 đến ngày 8-11/8 do ảnh hưởng của Covid-19, Khanh khóc ròng bởi giấc mơ đặt chân đến Canada vào cuối tháng 8 gần như tan vỡ. Bởi theo kế hoạch, em phải nộp bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho Đại học Waterloo trước 4/8.
Khanh cũng phải tới Canada trước 1/9 để nhập học. Em dự định sang trước khi bắt đầu năm học mới 1-2 tuần để quen với khí hậu, đường đi và mua sắm những vật dụng cần thiết, tránh bị sốc văn hóa. "Kế hoạch đã lên chi tiết. Bao nhiêu cố gắng, hy vọng suốt ba năm qua giờ bị mất nên em tiếc lắm. Khi biết tin, em còn không nghĩ là sự thật, lúc nào cũng mong chỉ là mơ", Khanh nói.
Không chỉ lỡ nhập học, Khanh còn đứng trước nguy cơ mất 100% học bổng. Nữ sinh cho biết trong thư nhập học, Đại học Waterloo nêu rõ "Nếu không nhập học kỳ thu vào ngày 1/9, sinh viên sẽ mất 50 hoặc 100% học bổng". Tháng 5 tới, Khanh sẽ gửi mail và nói chuyện với đại diện tuyển sinh của trường để trình bày lý do khiến mình chậm trễ và mong giữ lại được 50% học bổng. Em cũng lên kế hoạch mới nhằm nhập học kỳ đông của trường vào tháng 1 năm sau.
Trường hợp kết quả thi THPT có trước 29/8 và Khanh kịp lấy bằng tốt nghiệp tạm thời rồi sang Canada ngay, nữ sinh cho rằng việc này "cũng không sung sướng gì". "Sang quá sát ngày nhập học sẽ khiến em bị hụt hẫng, sốc văn hóa do phải ổn định và hòa nhập ngay với môi trường sống mới mà không có gia đình ở cạnh. Cú sốc này tác động xấu đến tinh thần không kém gì việc nhập học muộn và mất học bổng", Khanh nói.
Phương Khanh trong ngày chụp ảnh kỷ yếu hồi cuối năm ngoái. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trúng tuyển Đại học Bucknell, Mỹ từ đợt tuyển sinh sớm hồi tháng 12 nên khi Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học kéo dài, Lê Đặng Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 Văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cảm thấy ít bị ảnh hưởng hơn các bạn khác. Ngay từ đầu em xác định điểm thi không cần quá cao để trúng tuyển đại học Việt Nam mà chỉ cần đủ xét tốt nghiệp THPT. Việc học ít đi một chút không hề hấn gì.
Thế nhưng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định kết thúc năm học và thi THPT quốc gia chậm hơn một tháng rưỡi so với mọi năm, Quỳnh Anh bắt đầu lo lắng. "Việt Nam lùi lịch thi nhưng trường của em bên Mỹ thì chưa lùi lịch nhập học. Vài hôm trước, trường gửi email nhắc học sinh phải có mặt ở Mỹ muộn nhất vào ngày 12/8. Nếu lịch này được giữ nguyên, em sẽ không thể sang kịp vì kỳ thi THPT quốc gia chỉ kết thúc trước đó một ngày. Không tốt nghiệp xong thì không thể bay được", Quỳnh Anh nói.
Thường xuyên cập nhật tình hình Covid-19 ở Mỹ và Việt Nam, gia đình Quỳnh Anh xác định dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến việc nhập học mà còn tác động sâu rộng đến kinh tế, xã hội, đặc biệt là với Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới tính đến hiện tại với khoảng 246.000 ca nhiễm, hơn 6.000 người tử vong.
Thực tế, nhiều du học sinh Việt Nam tại Mỹ cũng quyết định về nước trong một tháng qua vì nhiều lý do. Vì vậy, Quỳnh Anh và gia đình đã tính chuyện gác lại mọi kế hoạch, cho em "gap year" (nghỉ) một năm, giải thích lý do chính đáng với trường để được nhập học vào mùa thu năm 2021 mà vẫn giữ nguyên học bổng.
"Gia đình đã chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng để em qua Mỹ học trong năm nay nên em rất muốn được học bậc đại học đúng như dự kiến", Quỳnh Anh chia sẻ và thông tin thêm Đại học Bucknell đã thông báo lùi lịch tốt nghiệp của sinh viên năm cuối từ tháng 5 sang tháng 7. Em sẽ cập nhật mail và thông tin từ trường hàng ngày. Chỉ khi trường điều chỉnh lịch nhập học của sinh viên năm nhất và tình hình dịch bệnh ổn định, em mới có thể qua Mỹ nhập học bình thường.
Trần Cẩm Tú, học sinh trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, phải có mặt tại Singapore vào ngày 12/8 để nhập học Đại học Công nghệ Nanyang. Vì gần Việt Nam, trường đang xem xét việc không yêu cầu bắt buộc bổ sung ngay bằng tốt nghiệp THPT hay giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, Cẩm Tú có thể xếp đồ bay sang Singapore ngay khi kỳ thi THPT quốc gia kết thúc vào ngày 11/8. Thế nhưng, nhiều kế hoạch của nữ sinh cũng phải hủy bỏ.
"Giống như các anh chị khóa trước, em lên kế hoạch sang Singapore vào nửa cuối tháng 7 để làm quen môi trường, ổn định chỗ ăn ở, tham gia vào ngày định hướng của trường và nhiều sự kiện khác dành cho sinh viên năm nhất và sinh viên quốc tế. Với lịch thi THPT quốc gia và tình hình Covid-19 như hiện nay, kế hoạch đó sẽ không thực hiện được", Cẩm Tú nói. Em hy vọng dịch bệnh lắng xuống, không làm ảnh hưởng xấu đến việc nhập học.
Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 22 triệu học sinh các cấp. Sau Tết Canh Tý, học sinh đã nghỉ học hai tháng và sẽ tiếp tục nghỉ do Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử học sinh cả nước được nghỉ học kéo dài do dịch bệnh truyền nhiễm.
Đến chiều 3/4, Covid-19 xuất hiện ở 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn một triệu người nhiễm, hơn 53.000 người chết. Tại Việt Nam, 233 người mắc, chưa phiên dịch ai tử vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét